Một điều lạ là chẳng mấy bác sỹ kê đơn cho bệnh nhân mỗi ngày cần đi bộ 30 phút, nhưng sự thực tập thể dục lại là liều thuốc có sẵn tốt nhất. Vậy hãy xem vận động còn có những lợi ích gì cho những chứng bệnh cụ thể nào nhé!
1.Lo lắng
Tập thể dục giúp giải phóng endorphin, đem lại cảm giác vui vẻ, hài lòng, cải thiện tâm trạng ngay lập tức. Theo nghiên cứu, người tập thể dục thường xuyên giảm căng thẳng 25% so với những người không tập. Đối với người bị lo âu mãn tính, các bài thiền tập thở là tốt nhất giúp làm dịu hệ thần kinh.
2.ADHD
Chứng rối loạn tăng động đến nay chưa có biện pháp chữa trị nhưng tập thể dục có thể cải thiện sự tập trung và điều tiết cảm xúc ở người bệnh dù là trẻ em hay người lớn. Tập thể dục làm tăng mức độ dopamine tạm thời, mang lại kết quả tương tự như các loại thuốc chuyên biệt. Nó cũng kích thích một phần của não chịu trách nhiệm về việc ra quyết định và kiểm soát xung động. Với trẻ em có chứng ADHD, tốt hơn cả là cho các em tham gia hoạt động khuyến khích tinh thần đồng đội và tăng cường sự tự tin.
3.Mất trí nhớ và có vấn đề về nhận thức
Một bộ não khỏe mạnh phụ thuộc vào một trái tim khỏe mạnh. Do đó, khi vận động khiến nhịp tim tăng lên, tim hoạt động mạnh hơn, dòng máu lên não cũng lưu thông khỏe hơn, đẩy mạnh sự thích ứng trong não, đặc biệt là trong các lĩnh vực điều khiển bộ nhớ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tập luyện đạt điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra về trí nhớ, về sự chú ý và lập kế hoạch.
4.Mất ngủ
Ngủ không đủ giấc có liên quan đến một loạt vấn đề sức khỏe dẫn đến lười tập thể dục hơn như: tăng cân, mệt mỏi, bệnh tim mạch, giảm khả năng đối phó với sự căng thẳng. Tăng cân cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ, hậu quả là con người ta khó có một đêm ngon giấc. Vì vậy, muốn cải thiện chất lượng giấc ngủ, đặc biệt nếu bị mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ thì đó chính là lý do để duy trì tập luyện 30 phút bằng bất kỳ hình thức nào.
5.Hen suyễn
Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc cải thiện sức khỏe tim mạch giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen suyễn. Hơn nữa, bệnh hen suyễn có thể tồi tệ hơn nếu bệnh nhân bị tăng cân, bởi các tế bào mỡ có thể tạo ra phản ứng viêm. Tuy nhiên, nếu tập thể dục ngoài trời, bệnh nhân hen suyễn cần lưu ý tránh môi trường nấm mốc, phấn hoa, ô nhiễm, hoặc không khí lạnh là tác nhân gây cơn hen suyễn bất ngờ.
6.Rối loạn cương dương và giảm ham muốn
Dù nam hay nữ thì tập thể dục đều có thể giúp cải thiện đời sống tình dục. Rối loạn cương dương (ED) và ham muốn tình dục thấp có thể xuất phát từ căng thẳng, chất lượng giấc ngủ kém và mệt mỏi, nguyên nhân do máu lưu thông kém bởi cuộc sống ít vận động hoặc cũng có thể do vấn đề về tim và các rối loạn chuyển hóa. Trong khi đó, tất cả các triệu chứng đó có thể thay đổi khi chúng ta tập luyện nhiều hơn.
7.Đau thắt lưng, đầu gối, cổ
Những kiểu đau này phần lớn là do ngồi ở bàn làm việc cả ngày hoặc là hệ quả của một lối sống ít vận động, stress, béo phì… nhưng chỉ cần tập thể dục đều đặn là có thể làm giảm bớt. Không cần phải quá cầu kỳ, có nhiều hình thức vận động đơn giản như duỗi thẳng người ngay tại bàn làm việc, thỉnh thoảng đứng lên đi lại, tự tạo điều kiện cho mình đi bộ nhiều hơn…
8.Viêm khớp
Người bị thoái hóa khớp thường bị đau do lớp sụn bảo vệ khớp xương bị viêm nhưng đừng để cảm giác đau ngăn cản việc tập thể dục. Vận động giúp giảm cân, làm giảm căng thẳng trên các khớp gây đau đớn đồng thời tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh các khớp xương để các cơ bắp này có thể làm giảm một số áp lực lên khớp. Ngoài ra, bệnh nhân viêm khớp mà không hoạt động còn có thể bị teo sụn, làm bệnh trầm trọng thêm.
Dr.Fitness (Tổng hợp)