Bạn có thể tự gây ra cho mình những tổn thương nghiêm trọng nếu không chú ý đến bộ phận này khi tập luyện.

Khi tới phòng tập thể dục, hầu hết mọi người sẽ tập trung vào những nhóm cơ chính, cho dù đó là các bài tập gánh tạ (squat) để tăng cường sức mạnh cơ mông hay phát triển cơ nhị đầu (cơ bắp tay). Nhưng có thể bạn đã bỏ qua một bộ phận cơ thể và làm như vậy chỉ khiến bạn tăng nguy cơ chấn thương mà thôi.

Đó chính là bàn chân.

Bàn chân là nền móng của toàn bộ cơ thể. Nhưng phần lớn chúng ta ít khi nghĩ tới chúng, trừ khi phải tạo dáng là những người chăm chỉ chạy bộ để chụp hình đăng Instagram.

Với Tiến sĩ Emily Splichal, bác sĩ chuyên khoa chân, chuyên gia trị liệu vận động, tác giả và người lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực khoa học chân trần và tái hồi phục, giúp mọi người nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chân tay chúng ta là sứ mệnh của cô.

“Là điểm tiếp xúc duy nhất giữa cơ thể và mặt đất, bàn chân không chỉ là nền móng, bệ đỡ cho cơ thể mà còn là cánh cửa của não bộ, giúp chúng ta nhận thức được mặt đất mà chúng ta đang bước đi bên trên”, Emily cho biết.

“Bất cứ sự mất cân bằng nào trong nền móng (bàn chân) sẽ ảnh hưởng tới sự ngay hàng thẳng lối của cả cơ thể. Tương tự, bất cứ sự thiếu kết nối nào giữa bàn chân, não bộ và mặt đất có thể để lại hậu quả là sự ổn định bị suy giảm khi chúng ta di chuyển, từ đó tăng nguy cơ bị quá nhiều chấn thương”, cô nói thêm.

Theo Tiến sĩ Emily, nhiều vấn đề về chân chỉ riêng phụ nữ mới có. Đa phần trong số đó do sự lên xuống của hormone.

“Trước hết, khi một phụ nữ có thai, bàn chân cô ấy chịu áp lực gia tăng của bụng bầu và những thay đổi của hormone. Hậu quả thường là bàn chân bành ra và yếu đi. Với những khách hàng đang mang thai hay sau khi sinh của tôi, tôi tập trung vào việc giúp họ lấy lại sức mạnh và sự ổn định nơi bàn chân.

Thứ hai, một lần nữa cần xử lý tình trạng thay đổi hormone. Phụ nữ thường đặc biệt dễ bị chấn thương gân do hàm lượng oestrogen suy giảm theo tuổi tác. Điều này có nghĩa là những phụ nữ trước và sau mãn kinh rất dễ bị viêm gân , rối loạn chức năng gân và viêm cân gan chân. Giữ cho bàn chân khỏe mạnh trong suốt giai đoạn chuyển đổi này vô cùng quan trọng”.

Và lựa chọn giày dép để đi đóng vai trò lớn đối với sức khỏe bàn chân.

“Giày cao gót gây áp lực mạnh lên bàn chân và mắt cá chân, có thể dẫn tới viêm bao hoạt dịch ngón chân cái, ngón chân khoằm xuống, u dây thần kinh và viêm cân gan bàn chân…”, tiến sĩ Emily giải thích.

Thật may mắn, có một số việc chúng ta có thể làm để ngăn ngừa chấn thương do giày cao gót có thể gây ra cho chân.

“Tôi gợi ý tất cả khách hàng nữ của tôi việc chọn loại giày cao gót khi đi làm hoặc khi giao tiếp xã hội cần tập trung vào sự dịch chuyển của bàn chân mỗi ngày. Tôi khuyên họ thực hiện giải phóng bàn chân trong 5 phút vào buổi sáng và buổi tối, sau đó tiến hành bài tập kích hoạt bàn chân.

Giải phóng bàn chân được thực hiện bằng cách đứng trên một quả bóng golf hoặc bóng vợt. Còn kích hoạt bàn chân là ấn ngón chân xuống mặt đất trong lúc thở ra”.

Tiến sĩ Emily cũng khuyến nghị bỏ giày ra và đi chân trần một khoảng thời gian nhất định trong ngày: “Tôi gợi ý để đi chân trần 30 phút mỗi ngày. Việc di chuyển có thể chỉ cần cơ bản như đi chân trần trong nhà hoặc theo hướng ‘tập trung chuyên môn’ hơn như đến lớp tập yoga hoặc pilates“.

Và trong khi bạn dành nhiều thời gian xỏ chân trong giày hơn, sẽ rất tốt nếu bạn quan tâm nhiều hơn tới bàn chân của mình. Tiến sĩ Emily tiết lộ, các vấn đề về chân có thể phản ánh các mối bận tâm về sức khỏe quan trọng khác: “Tình trạng đau nhói, cảm giác buồn bực hay tê bì ở chân vào buổi đêm là những vấn đề lớn nhất thường gặp. Chúng có thể báo hiệu rằng bạn đang bị thiếu hụt dưỡng chất, lượng đường huyết của bạn không được kiểm soát tốt hoặc bạn cần tập trung vào việc phục hồi sức khỏe bàn chân.

Một chứng bệnh phổ biến nữa có thể khiến bạn phải thực sự lo lắng là nhiễm trùng do nấm . Nó thường đồng nghĩa với việc hệ tiêu hóa hoặc hệ miễn dịch của bạn đang chịu áp lực nào đó”.

Đã đến lúc thật sự chăm lo cho bàn chân của mình rồi đấy!

DR.FITNESS (Tổng hợp)